Đã từng có rất nhiều vụ nổ bình ga khiến cả nhà thiệt mạng, người còn sống thì cũng không còn lành lặn, gia đình chìm trong bi thương. Thực chất việc nổ bình ga như vậy hầu như đều do thói quen sai lầm của người sử dụng, không biết các bảo quản hệ thống ga, không tuân thủ theo qui định an toàn của nhà sản xuất… những lỗi này có đến 90% các nhà đều mắc phải. Đừng vì sự tiện lợi, một chút lười biếng hay sơ sểnh mà tự đặt bom trong nhà như thế này nữa các bà nội trợ nhé!
Không khóa van bình ga
Hầu như mọi người nấu bếp xong ít khi nào có thói quen vặn khóa van bình ga vì để tiện nấu lần sau, hoặc ỷ y vào van an toàn nên sẽ không sao. Tuy nhiên, đường ống dẫn ga có thể bị rạn nứt do lâu ngày, do chuột cắn hoặc điều kiện môi trường tác động, chỗ nối giữa ống ga và van cũng có khả năng bị hở… làm cho khí ga bị rò rỉ. Lúc này chỉ cần một tia lửa nhỏ, cũng có thể gây cháy nổ nguy hiểm.
Tốt nhất sau mỗi lần nấu nướng, bạn chịu khó hãy khóa van bình ga trước, để lửa trên bếp cháy hết lượng khí ga còn sót lại trong ống, đợi khi lửa tự tắt thì bạn mới tắt bếp.
Đặt các thiết bị điện hoặc vật dễ cháy gần bếp
Các đồ gia dụng, thiết bị điện khác nên để cách xa bếp ga, đề phòng trong trường hợp có có đồ bị chập cháy cũng không lan sang các đồ khác hoặc nguy hiểm hơn là bắt lửa điện vào bếp ga gây nổ. Ngoài ra, theo an toàn thì bếp ga nên để cách xa tường ít nhất 15 cm, cho dù tường được ốp mặt inox hay gạch đá, nhưng nếu vật liệu cấu trúc bên trong tường dễ cháy như gỗ thì sức nóng từ bếp cũng có thể gây cháy.
Ảnh: Internet
Đặt bình ga trong tủ kín
Hiện nay hầu như nhà nào cũng xây một tủ ga nhỏ bên dưới bếp để bảo đảm tính thẩm mỹ cho ngôi nhà tuy nhiên lại không an toàn một chút nào. Trong trường hợp bình ga bị rò rỉ, nếu không gian thoáng đãng, khí gây cháy sẽ được phân tán đi nhanh hơn, nhưng trong trường hợp bị đặt trong tủ kín thì khó ai phát hiện ra mùi ga bị rỉ, khí ga cũng bị ém trong không gian nhỏ và có thể phát nổ khi bật bếp hoặc sử dụng các thiết bị điện gần đó. Nếu bạn muốn để bình ga trong tủ thì không nên để cửa hoặc nên khoét một lỗ trên cửa tủ để dễ dàng phát hiện mùi ga rò rỉ. Không được xịt thuốc diệt côn trùng dưới gầm bếp hoặc gần bếp lửa đang cháy.
Không bảo trì bếp
Bếp ga, đường ống dẫn và van khóa nên được kiểm tra thường xuyên để phát hiện những điểm bất thường, xuống cấp. Đặc biệt ống dẫn rất dễ bị rò rỉ, vì vậy mọi người nên chủ động thay mới sau từ 2-3 năm sử dụng dù không hỏng hóc. Van khóa nên thay mới sau 5 năm.
Ảnh: Internet
Không kiểm tra bình ga khi thay
Thông thường chúng ta thường chọn đại lý ga gần nhà nhất cho tiện lợi, nhưng ngoài việc tiện ra thì bạn cũng cần lưu ý chọn những chỗ uy tín để tránh mua phải hàng giả, nhái kém chất lượng. Ngoài ra, phải kiểm tra mình đang dùng loại ga của hãng nào, chất lượng có tốt hay không. Một số nhà khi thay ga còn hay phó mặc cho người ta lắp bình vào là xong, thực tế thì bạn cần phải quan sát trước xem bình ga họ phải còn nguyên vẹn, còn tem niêm phong, không bị rỉ sét, móp méo hay trầy xước.
Kiểm tra bình ga sai cách
Ảnh: Internet
Trong trường hợp ngửi thấy mùi ga, bạn tuyệt đối không dùng điện thoại, bật lửa, bật đèn để soi, cũng không nên bật quạt cho bay mùi vì các thiết bị điện này có thể phát ra tia lửa điện, tiếp xúc với khí ga sẽ gây cháy nổ. Việc bạn cần làm là hãy nhanh chóng vặn khóa ga, mở tất cả các cửa trong nhà để khí ga tự thoát ra ngoài.
(Tổng hợp)